Tên sách: Phiêu bước cùng Einstein
Nguyên tác: Moonwalking with Einstein
Nguyên tác: Moonwalking with Einstein
Tác giả: Joshua Foer
Thể loại: Khoa học Trí nhớ - Thuật trí nhớ
Giới thiệu
Bước vào bất kỳ nhà sách nào hiện nay, bạn đều có thể thấy hàng trăm cuốn sách dạng “làm thế nào” để hoàn thiện kỹ năng
nào đó. Tại sao trong hàng trăm ngàn người mua sách, không mấy ai thực sự đạt
được mục tiêu ban đầu? Tại sao giữa chúng ta tồn tại những “kỳ nhân” làm được những
chuyện phi thường
như thuộc lòng
hàng chục ngàn
con số pi? Một trong những
nhân vật phi thường ấy khẳng định
“bất kỳ người
bình thường nào rèn
luyện đúng cách
cũng làm được
như vậy”.
Anh nhà báo Josh Foer
với mức IQ bình thường,
từ những thắc
mắc tương tự, đã dành
hẳn một năm rèn luyện để tham gia cuộc thi trí nhớ toàn nước Mỹ, và đoạt
luôn giải nhất. Cuốn sách ghi lại trải nghiệm đó của anh, các bí quyết rèn luyện trí nhớ và các thông tin
khoa học cũng như các cuộc tiếp
xúc với cá nhân có trí nhớ phi thường
lẫn bất thường.
Chẳng còn ai sống sót
Thảm họa xảy ra tại một phòng
tiệc vào thế kỷ thứ năm trước
Công nguyên, gia quyến đến hiện
trường đào bới đống đổ nát tìm
dấu vết những
người thân yêu - dù là chiếc
nhẫn, đôi dép, hay bất cứ thứ gì giúp họ nhận dạng
đúng người thân
mà đưa về chôn cất.
Chỉ vài phút trước đấy, nhà thơ Hy Lạp Simonides of
Ceos còn đứng đọc bài thơ ca ngợi Scopas, một nhà quý tộc xứ Thessaly. Khi Simonides vừa an tọa, một sứ giả vỗ vai ông. Hai
thanh niên đang ngồi trên lưng ngựa ngoài kia nóng lòng báo cho ông điều gì đó.
Ông lại đứng dậy bước ra cửa. Ngay lúc ông bước qua ngưỡng
cửa, mái phòng tiệc đổ sập đánh ầm
xuống thành một tấn ghê rợn những đá vỡ và bụi đất.
Lúc này ông đứng trước quang cảnh đổ nát với những
cái xác bị chôn vùi. Bầu không khí trước đó vẫn đầy tiếng
cười đùa ồn ã, giờ bụi mờ và tĩnh lặng. Các nhóm cứu hộ điên cuồng
đào tìm nơi tòa nhà sụp đổ. Những cái xác lôi ra khỏi đống đổ nát đã biến dạng
đến mức chẳng thể nhận ra. Không người nào dám chắc những ai đã ở trong tòa
nhà. Thảm kịch này chồng chất lên thảm kịch khác.
Rồi một chuyện
phi thường xảy ra đã vĩnh viễn thay đổi cách người
ta suy nghĩ về trí nhớ.
Simonides nén chặt những cảm xúc trước
cảnh hỗn loạn chung quanh
và đảo ngược thời gian trong đầu ông. Những đống đá vụn hóa trở lại thành cột đá, và những mẩu họa tiết
vương vãi kết liền lại với nhau phía trên đầu. Những mảnh gốm tung tóe khắp nơi tái tạo thành những chiếc bát. Những mảnh gỗ
vụn trên đống tan hoang lại ráp thành bàn. Simonides thoáng nhìn thấy
hình ảnh từng
thực khách dự tiệc ngồi
trên ghế, họ không hề hay
biết mối tai ương sắp
ập tới. Ông
nhìn thấy Scopas
đang cười đùa ở đầu bàn, một
bạn thơ ngồi đối diện ông đang dùng mẩu bánh mì vét nốt phần thức ăn còn lại, một nhà quý
tộc đang mỉm cười khoan
khoái. Ông quay về phía cửa sổ và trông
thấy những sứ giả đang tiến lại gần, như thể đang
mang theo tin tức quan
trọng.
Simonides mở mắt ra. Ông nắm tay từng người thân đang trong cơn kích động, thận trọng bước về đống đổ nát, ông hướng dẫn
họ, từng người một, đến những chỗ trên đống gạch đá vụn nơi người thân họ đã ngồi.
Theo truyền thuyết, từ khoảnh khắc đó thuật ghi nhớ
ra đời.
Chương một
Thật
khó tìm được người thông minh nhất
Trong đầu tôi hiện
lên hình ảnh Dom DeLuise,
một nhân vật béo tròn nổi tiếng
(năm nhép) với những hành động bất nhã sau: Ông ta rỏ một giọt nước bọt
nhầy nhụa (chín nhép) lên bờm tóc trắng dày của Albert
Einstein (ba rô) và tung một cú đá kinh hồn (năm pích) vào hạ bộ Giáo Hoàng Benedict
XVI (sáu rô). Michael Jackson
(K cơ) đã có ứng xử kỳ quặc thậm chí nếu so với tiêu
chuẩn hành xử ngày thường của chính ông ta. Ông ta đã són (hai nhép) lên miếng
bánh kẹp cá hồi (K nhép) và ợ hơi (đầm nhép) vào một quả bóng (sáu pích). Rhea Perlman, một cô nhân viên quầy bar bé tí (đầm pích) ở quán Cbeers,
bị bắt gặp gian díu với ngôi sao bóng rổ người Sudan cao hai mét ba tên Manute Bol (bảy
nhép) trong tư thế “kẻ ngược người xuôi” rất lộ liễu (và trường hợp này, xét về
mặt hình thể là bất khả).
Hoạt cảnh rẻ tiền này, mà tôi chẳng lấy gì làm tự hào tả lại trên trang
sách, hẳn đủ để giải thích cho tình huống bất ngờ mà tôi đang mắc vào lúc đó. Ngồi bên trái tôi là Ram Kolli, một cố vấn kinh doanh hai lăm tuổi lún phún râu người Richmond, Virginia, anh cũng đang thi đấu bảo vệ chức vô địch trí nhớ Hoa Kỳ. Bên phải tôi là tiếng rì rầm phát ra từ máy
quay của một kênh truyền
hình cáp phủ sóng quốc gia (dù ít người
xem). Phía sau tôi,
nơi tôi không thể nhìn thấy và họ cũng chẳng làm phiền tôi, là gần một trăm
khán giả cùng hai bình luận viên truyền hình đang bình luận trực tiếp. Một người là cựu bình luận
viên môn đấm bốc tên Kenny Rice,
với mái tóc sấy, giọng
nói thô ráp kiểu đọc truyện đêm khuya không giấu được chút bối rối trước đám người kỳ dị chúng tôi. Người kia là Scott Hagwood, ông vua trong môn tranh
tài trí nhớ của Hoa Kỳ, một kỹ sư ngành hóa bốn mươi ba tuổi, để râu quai nón,
bốn lần vô địch quốc gia, người vùng Faytteville, Bắc Carolina. Ngay góc phòng
là đối tượng
của lòng tôi:
chiếc cúp hào nhoáng hai tầng, gồm một
bàn tay bạc với móng tay vàng bóng bẩy xòe cây thùng phá sảnh[1], phần bên dưới đậm màu sắc ái quốc hơn với tượng ba con ó trọc đầu. Nó cao hơn đứa cháu gái hai tuổi
của tôi (và nhẹ hơn mấy con thú nhồi bông của nó).
Khán giả không được bật flash khi chụp ảnh và phải giữ yên lặng tuyệt đối. Nhưng quy
định thế không phải vì Ram và tôi có thể nghe
tiếng họ. Hai
chúng tôi đều
mang nút lỗ tai.
Tôi còn chụp thêm một đôi bao bịt tai đặc dụng trông như của lao công trên tàu sân bay
(vì trong cuộc thi trí nhớ căng
thẳng, cách âm tốt đến mấy cũng
là chưa đủ).
Mắt tôi nhắm lại. Hai cỗ bài
nằm sấp đã xáo đặt trên bàn
giữa hai tay tôi. Lát
nữa thôi, trọng
tài chính sẽ bấm
đồng hồ đếm giờ và tôi sẽ có năm phút để ghi nhớ trật tự của hai cỗ bài.
Lý do khó ngờ dẫn dắt tôi tới cái cảnh ngồi bất
động, vã mồ hôi ròng ròng như thế này trong vòng chung kết cuộc thi Vô địch Trí nhớ Hoa Kỳ, xuất hiện một năm trước trên một xa lộ tuyết phủ ở trung tâm
Pennsylvania. Để thực hiện cuộc phỏng vấn cho tạp chí Discover; tôi lái xe từ Washington D.C đến thung
lũng Lehigh ở Pennsylvania gặp một nhà vật lý lý thuyết tại Đại học
Kutztown, người đã phát minh ra một thiết bị tạo môi trường chân không
được cho là sẽ làm bung loại ngô rang lớn nhất thế giới. Tuyến đường
dẫn tôi đi qua vùng York,
Pennsylvania, quê hương của Bảo tàng và Phòng trưng bày môn cử tạ. Nghe có vẻ là địa điểm “phải đến trước khi chết”. Mà tôi hãy còn một tiếng rảnh rỗi.
Hóa ra, Phòng
trưng bày chả hơn gì mấy bộ sưu tập nghèo nàn
những tấm ảnh
cũ mèm và các vật lưu niệm được bày trên tầng trệt các văn phòng công ty của nhà sản xuất thanh tạ
lớn nhất nước, về mặt bảo tàng
học mà nói,
đó chỉ là một mớ rác rưởi.
Nhưng đó lại
là nơi
lần đầu tiên tôi thấy tấm hình đen trắng chụp Joe
Greenstein-Atom Cường tráng, một lực sĩ người Mỹ gốc Do Thái cao chừng một mét sáu, người vâm váp, ông đã có biệt danh như
vậy vào những năm 1920 khi thực hiện những màn trình diễn đầy phấn khích như
cắn gãy đôi đồng 25 cent, và nằm trên giường đinh trong khi cả ban nhạc miền
Nam gồm mười bốn người ngồi chơi trên ngực ông. Có lần ông thay cả bốn cái lốp ô tô mà chẳng cần dùng đến dụng cụ nào. Một dòng chữ bên
tấm ảnh vinh danh Greenstein là “người khỏe nhất thế giới.”
Nhìn vào tấm ảnh đó, tôi nghĩ hẳn là thú vị nếu
người khỏe nhất thế giới gặp người thông minh
nhất thế giới. Atom Cường tráng và Einstein vòng tay ôm lấy nhau: cuộc gặp gỡ đầy chất
sử thi giữa cơ bắp và trí tuệ. Ít nhất đó sẽ là tấm ảnh khá hay để treo trên bàn làm việc của
tôi. Tôi băn khoăn liệu đã bao giờ có tấm ảnh kiểu thế được chụp hay chưa. Khi về tới
nhà, tôi thử tìm kiếm trên Google. Dễ tìm được ngay người khỏe nhất thế giới:
Mariusz Pudzianowski, sống ở Biala Rawska,
Ba Lan, có thành tích nâng tạ nặng gần 420kg (gấp 30
lần đứa cháu gái tôi).
Ngược lại, tìm người thông minh nhất thế giới không dễ như vậy. Tôi gõ “IQ cao nhất”, “vô địch thông minh”, “thông minh nhất thế
giới”. Tôi biết được ở thành phố New York có người có IQ là 228, rồi một kỳ thủ ở Hungary từng chơi năm mươi hai ván cờ tưởng[2] một
lúc. Một phụ nữ người Ấn Độ có thể tính nhẩm căn bậc hai mươi ba của một số hai
trăm chữ số trong vòng năm mươi giây,
và có người có thể xoay xong khối Rubik bốn mặt bất kể ban đầu nó được vặn vẹo kiểu gì. Và tất
nhiên có hàng tá ứng cử viên khác đầu óc thuộc hàng Stephen Hawking. Việc đo đếm bộ não hiển nhiên phức tạp hơn nhiều so với cơ bắp.
Tuy vậy, trong lúc Google, tôi phát hiện ra một ứng
cử viên đáng chú ý, người này nếu không phải thông minh nhất thế giới thì cũng
là một dạng thiên tài quái dị. Anh tên Ben Pridmore, có thể nhớ chính xác trật
tự của 1.528 chữ số ngẫu nhiên trong vòng một tiếng đồng hồ và - để gây ấn tượng với những
người thích “văn vẻ” hơn - anh thuộc được bất cứ bài
thơ nào người ta đưa cho. Anh đang thống trị giải vô địch thế giới về trí nhớ.
Thế là trong mấy ngày kế tiếp, đầu óc tôi cứ quanh quẩn với trường hợp Ben Pridmore. Trí nhớ của tôi giỏi lắm cũng ở mức trung
bình. Tôi thường xuyên quên chỗ để chìa khóa xe hơi (và nhân thể nói luôn, cả
chỗ đậu xe nữa); thức ăn đang bỏ lò vi sóng; rằng phải viết “its” không phải “it’s”; sinh nhật bạn gái, ngày kỷ niệm yêu nhau, Lễ Valentine; việc dọn dẹp hầm
rượu nhà bố mẹ (ối trời); số điện thoại bạn bè; lý do mở tủ lạnh; sạc điện
thoại; tên Chánh văn phòng của Tổng thống Bush; thứ tự các trạm dừng chân ở New
Jersey Turnpike; năm gần nhất đội Redskins giành Cúp Vô địch; đậy nắp toilet.
Ngược lại, Ben Pridmore có thể ghi nhớ thứ tự các quân bài của một cỗ bài đã xáo trong ba mươi
hai giây. Nếu có năm phút, anh ta có thể ghi nhớ vĩnh viễn 96 sự kiện lịch sử. Người
đàn ông này thuộc năm mươi ngàn chữ số của số pi. Thế chẳng đáng ghen tị sao? Có lần tôi đọc được rằng một người bình thường
hoang phí bốn mươi ngày mỗi năm để làm bù những việc nhỡ quên. Nếu không tính
tới chuyện anh ta đang tạm thời thất nghiệp, câu hỏi đặt ra là hiệu suất của Ben Pridmore có thể còn lên tới đâu nữa?
Có vẻ những thứ phải nhớ càng ngày càng nhiều thêm:
nhiều cái tên hơn; nhiều mật khẩu hơn, nhiều cuộc hẹn hơn. Tôi hình dung với
một trí nhớ như của Ben Pridmore thì đời đã khá hơn nhiều. Nền văn hóa hiện nay
liên tục rót ngập đầu chúng ta những thông tin mới, vậy mà bộ não chỉ nắm bắt được rất ít. Hầu hết thông tin vào tai này ra tai kia. Nếu cốt lõi
của việc đọc là để giữ lại tri thức, thì có lẽ đó là hoạt động ít hiệu quả nhất mà tôi tham gia.
Tôi có thể dành hàng dăm bảy tiếng đồng hồ đọc một cuốn sách, nhưng rồi chỉ có
ý niệm
mơ hồ về nội dung
của nó. Những
sự kiện và giai thoại
này kia, thậm
chí là những
chuyện thú vị đáng nhớ, thường
chỉ gây ấn tượng thoảng
qua trong đầu tôi rồi mất tăm mất tích đi
đâu không biết.
Trên giá nhà tôi có những cuốn
sách mà tôi còn không
nhớ mình đã đọc
hay chưa.
Nếu giữ được hết những kiến thức đã mất đi đó thì sẽ thế nào nhỉ? Tôi không khỏi nghĩ
rằng điều đó sẽ khiến tôi nói năng thuyết phục hơn, tự tin hơn, và xét theo một nghĩa cơ
bản nào đó, thông minh
hơn. Chắc chắn
tôi sẽ là một phóng
viên giỏi hơn,
một người bạn tốt
hơn, và là bạn trai hoàn hảo hơn. Chẳng
những vậy, tôi tưởng tượng rằng sỏ hữu một trí nhớ như Ben Pridmore sẽ biến tôi
thành một người chu đáo hơn, và thậm chí thông thái hơn. Nếu coi
ký ức là tập hợp các trải
nghiệm, thì có trí nhớ tốt hơn
giúp ta không
chỉ biết nhiều hơn về thế giới, mà còn về bản thân.
Chắc hẳn quên
được một số chuyện làm ta
khó chịu là điều lành mạnh và cần thiết.
Nếu không quên nhiều điều ngớ ngẩn mình đã làm,
hẳn tôi bị thần kinh mất. Nhưng
trí nhớ kém cỏi của tôi liệu đã bỏ qua bao nhiêu ý tưởng
đáng giá mà không đào sâu thấu
đáo và làm bao nhiêu
mối liên hệ không thành?
Tôi cứ nghĩ mãi đến một câu Ben Pridmore
nói khi trả lời phỏng vấn, nó khiến tôi suy nghĩ xem
sự khác biệt giữa trí nhớ của anh ta và của tôi thực ra là gì. “Đó hoàn toàn là kỹ thuật
và sự thấu hiểu cách bộ nhớ hoạt động,”
anh nói với phóng viên. “Bất cứ ai cũng có thể làm
được, thực vậy.”
Vài tuần sau chuyến đi đến Phòng trưng bày cử tạ, tôi đứng cuối khán phòng trên tầng
mười chín trụ sở Con Edison gần quảng trường
Union ở Manhattan, làm khán giả cuộc thi Vô
địch trí nhớ Hoa Kỳ năm 2003.
Bị niềm phấn
khích về Ben
Pridmore thúc đẩy, tôi đến đó
để viết cho tạp chí Slate một bài ngắn điều tôi hình dung về giải vô địch những nhà thông thái.
Vậy mà, cảnh
tượng tôi bắt gặp lại chẳng khác
nào cuộc đụng
độ của những
kẻ phi thường: một lũ đàn ông (và vài quý cô) ở
nhiều độ tuổi vẻ ngoài khác nhau, đang mải mê với những trang giấy đầy rẫy các chữ số ngẫu nhiên và cả dọc dài các con chữ. Họ tự nhận là
“những vận động viên trí óc,” (mental
athletes) viết tắt là MA.
Có năm vòng thi. Vòng đầu tiên,
các thí sinh phải học thuộc năm mươi câu thơ chưa xuất
bản, tựa đề “Tấm thảm dệt hình tôi” (The Tapestry of Me.) Rồi người ta đưa cho họ chín mươi chín bức ảnh chụp chân
dung kèm theo
họ tên, họ có mười
lăm phút để ghi nhớ càng
nhiều càng tốt. Rồi mười lăm phút nữa để ghi nhớ một danh sách ba trăm từ ngẫu nhiên, năm phút để ghi nhớ một trang có đến một ngàn con chữ số ngẫu nhiên (hai mươi lăm
dòng, mỗi dòng 40 chữ số), và năm phút nữa để học thuộc
thứ tự một cỗ bài đã xáo. Trong
số các đấu thủ, có hai người
nằm trong nhóm ba mươi sáu đại kiện tướng
về trí nhớ, để được danh
hiệu này, khi trước họ phải thuộc được chuỗi một ngàn chữ số ngẫu nhiên trong vòng
chưa đầy một
tiếng, thứ tự chính xác
của mười cỗ bài đã xáo cũng trong chừng ấy
thời gian, lại thêm thứ
tự một cỗ bài đã xáo trong
chưa đầy hai phút.
Dù bề ngoài
những thành tích này trông
chỉ như trò lạ mua vui - về cơ bản là vô bổ, và có lẽ
còn hơi vớ vẩn nữa - nhưng
khi trò chuyện
với các đấu thủ, tôi nhận ra một điều
thật sự nghiêm túc khiến tôi phải nhìn nhận lại những giới hạn của trí óc mình và bản chất vốn
học thức của tôi.
Tôi hỏi Ed Cooke từ khi nào anh biết mình là thiên
tài. Anh là một đại kiện tướng trẻ tuổi người
Anh, tham gia cuộc thi ở Hoa Kỳ như kiểu tập huấn mùa xuân để chuẩn bị cho Cuộc thi
Vô địch thế giới diễn ra vào mùa hè (vì anh không phải người Mỹ, nên điểm số của anh
không được tính vào kỳ thi ở Mỹ).
“Ồ, tôi chẳng phải thiên tài gì đâu,” anh cười nhẹ nhàng. “Bộ nhớ như máy ảnh à?” tôi hỏi.
Anh lại cười thành
tiếng. “Khái niệm bộ nhớ chụp ảnh chỉ là thứ hoang đường vớ vẩn thôi”
anh nói. “Không có thứ đó trên đời đâu. Thật ra, trí nhớ của tôi cũng bình thường. Tất cả
chúng ta đều có trí
nhớ trung bình.”
Điều đó quả là khó tin vì tôi vừa xem anh ta lặp lại 252 chữ số ngẫu nhiên
mà chẳng phải cố
gắng gì, như thể chúng
là số điện thoại của anh vậy.
“Anh nên hiểu rằng thậm chí những bộ nhớ trung bình
cũng có sức mạnh đáng kể nếu được sử dụng hợp lý,” anh nói. Ed có khuôn mặt thô
và mái tóc nâu loăn xoăn để dài tận vai, có thể xem anh là trong số các thí
sinh ít quan tâm trau chuốt vẻ bề ngoài nhất. Anh mặc một bộ vét, cà vạt thắt
lỏng đi kèm đôi dép xỏ ngón in hình cờ nước Anh chẳng ăn nhập vào đâu. Anh mới hai bốn tuổi nhưng anh lê cái thân mình như một người gấp ba lần độ tuổi đó. Anh đi tập tễnh, lúc nào
cũng kè kè cây gậy mà anh gọi là “chân chống chiến thắng,” - do gần đây bệnh
viêm khớp dạng thấp thiếu niên tái phát. Cũng như Ben Pridmore, anh và các vận động viên trí óc khác cứ khăng khăng rằng bất cứ ai cũng có thể làm điều họ làm. Đó chỉ là vấn đề học
cách “suy nghĩ theo những cách dễ nhớ hơn” sử dụng kỹ thuật ghi nhớ “cực kỳ đơn
giản” đã có cách đây 2.500 năm, gọi là “cung trí nhớ” được cho là do Simonides of Ceos phát kiến trước cảnh đổ nát của vụ sập phòng yến tiệc.
Kỹ thuật cung trí nhớ - còn gọi là phương pháp hành
trình hay phương pháp quỹ tích, và phổ biến hơn cả là ars memorativa, hay
“thuật ghi nhớ” - được những người La Mã như Cicero và Quintilian tinh lọc và
biên soạn thành bộ quy tắc và tài liệu chỉ dẫn chi tiết; thuật này nở rộ vào
thời Trung cổ để giúp các tín đồ ghi nhớ mọi thứ, từ những bài giảng đạo và lời cầu nguyện, cho tới những
hình phạt đang chờ đợi bọn phù thủy dưới địa ngục. Đây cũng là bí quyết các Nguyên lão nghị viên ở La Mã vận dụng để ghi nhớ các bài phát
biểu, giúp các học giả Trung cổ thuộc lòng sách vở và Themistocles, một thủ
lĩnh người Athen cũng được cho là đã vận dụng kỹ thuật này để ghi nhớ tên của
hai mươi ngàn dân Athen.
Ed giải thích
cho tôi rằng
các đấu thủ tự nhận
mình là “những
người tham gia vào chương trình nghiên cứu nghiệp
dư” mà mục tiêu là cứu vãn một truyền
thống rèn luyện
trí nhớ đã biến mất từ nhiều thế kỷ trước.
Ed nhấn mạnh, ngày xưa ghi nhớ là tất cả. Một trí nhớ được
rèn giũa không chỉ là một công cụ tiện lợi mà còn là nền tảng của bất cứ trí óc trần tục
nào. Hơn nữa, việc rèn luyện trí nhớ được xem là một hình thức xây dựng tính cách,
một phương pháp để phát
triển đức tính
cốt yếu là cẩn thận,
hay nói rộng hơn, là đạo đức. Chỉ
thông qua ghi nhớ việc tư duy mới diễn ra, và con người
mới thực sự nhập tâm và tiếp thu
giá trị các ý tưởng
mới. Kỹ thuật
này không chỉ để ghi nhớ những
thông tin vô bổ như các
cỗ bài, mà còn để khắc vào não những
dòng chữ và ý tưởng
nền tảng.
Nhưng rồi, vào thế kỷ mười lăm, nhờ phát kiến trong
ngành in của Gutenberg, sách trở thành hàng hóa sản xuất hàng loạt, và đến một
lúc việc ghi nhớ những gì được in trên trang giấy chẳng còn quan trọng nữa. Kỹ
thuật ghi nhớ từng đóng vai trò chính yếu trong nền văn hóa cổ điển và Trung cổ, bị phong kín cùng với những bí truyền
huyền bí vào thời
Phục hưng, và đến thời kỳ Khai sáng, chúng bị bỏ rơi sau những cuộc biểu diễn
hội hè và cả đống sách tự học hời hợt - và chỉ mới được khôi phục lại trong vài thập kỷ cuối cùng của
thế kỷ hai mươi để dụng vào cuộc thi kỳ quặc và độc
nhất này.
Người đứng đầu công cuộc chấn hưng kỹ thuật rèn
luyện trí nhớ này là Tony Buzan, nhà giáo dục khôn khéo sáu mươi bảy tuổi người Anh, người
tự phong là “bậc thầy”.
Ông nhận mình (rõ ràng không hề có ý mỉa mai) là người có “chỉ số sáng tạo” cao nhất thế giới. Khi
tôi gặp ông tại một quán ăn ở tòa nhà Con Edison, ông mặc bộ vét màu xanh hải
quân có năm chiếc cúc lớn viền vàng đi kèm áo sơ mi không cổ, một chiếc cúc lớn
khác siết họng tạo cho ông cái vẻ một vị linh mục Chính thống giáo. Một cái ghim hình bộ não điểm trang
ve áo. Mặt đồng hồ của ông là phiên bản bức tranh Sự dai dẳng của trí nhớ của
Dali (bức tranh có hình mặt đồng hồ chảy sũng). Ông gọi các thí sinh là “những
chiến binh trí óc.”
Khuôn mặt Buzan với mái tóc hoa râm, nhiều nếp nhăn
và vết bong da đây đó - trông già hơn cả chục tuổi so với lứa tuổi sáu mươi bảy, nhưng phần còn lại trên người ông thì sung
sức như một người ba mươi. Ông kể mỗi sáng đều chèo thuyền chừng sáu đến mười
kilômét dọc sông Thames, và ông lý giải việc ăn nhiều
rau và cá “giúp bổ não”. “Ăn đồ tạp nham:
bộ não tạp nham. Thức ăn lành mạnh: bộ não lành mạnh,” ông nói.
Khi đi bộ, Buzan lướt nhẹ nhàng nhu bóng hockey trượt trên băng (sau này ông bảo, đó là kết
quả bốn mươi năm rèn luyện theo Kỹ thuật Alexander). Khi nói, ông khua bàn tay với sự chừng mực chính xác và tao nhã chỉ
có được do đứng trước gương luyện tập. Thường thì, ông nhấn mạnh điểm quan trọng bằng cách bung mạnh các ngón tay đang nắm chặt.
Buzan sáng lập Giải Vô địch Thế giới về Trí nhớ năm 1991,
và từ đó thành lập thêm giải vô
địch quốc gia ở hơn chục nước, từ Trung Quốc đến Nam Phi đến Mexico. Ông bảo kể
từ những năm 1970 ông làm việc với sự sốt sắng của một nhà truyền đạo để những
kỹ thuật ghi nhớ này được đưa vào các trường học trên khắp thế giới. Ông gọi đó
là “cuộc cách mạng giáo dục toàn cầu tập trung vào cách học.” Và ông tự cho
mình là một khối tài sản quan trọng vẫn đang sinh sôi nảy nở. (Theo
báo chí, trước khi chết, Michael Jackson
đã chi đến 343.000
đô la cho dịch vụ tăng cường trí nhớ của Buzan.)
Buzan tin rằng cách giảng dạy ở trường học là hoàn toàn sai lầm. Họ tống hàng loạt thông tin vào đầu học sinh, nhưng không
dạy các em cách lưu giữ chúng. Việc ghi nhớ bị mang tiếng xấu là chỉ dùng để
đối phó kỳ thi trước mắt Nhưng chính truyền thống học vẹt buồn tẻ đã làm hỏng nền giáo dục phương
Tây chứ không phải việc ghi nhớ. “Suốt hơn một thế kỷ qua, chúng ta đã định nghĩa sai về
trí nhớ, hiểu nó chưa toàn diện, vận dụng nó sai cách, và rồi lại chê trách nó vì không thấy hiệu quả lẫn hứng thú gì,” Buzan lập luận. Nếu ghi nhớ theo kiểu học vẹt là nguệch
ngoạc những ấn tượng lên bộ não thông qua sự lặp đi lặp lại thô bạo - kiểu
phương pháp “lặp nhiều nhớ sâu” cũ mòn - thì thuật ghi nhớ là một cách nhớ
thông tin tinh tế hơn bằng cách dùng các kỹ thuật. Nó nhanh hơn, đỡ mệt hơn, và tạo ký ức lâu dài hơn, Buzan bảo tôi.
“Bộ não giống
như một khối cơ”, ông bảo, và rèn luyện
trí nhớ là một hình thức luyện
tập trí óc. Theo thời gian, cũng như bất kỳ hình thức rèn luyện nào, nó sẽ làm bộ não khỏe
mạnh hơn, nhanh nhẹn hơn, và linh lợi hơn. Ý tưởng
này đã có từ thời khởi nguyên
của rèn luyện trí nhớ. Các nhà hùng biện La Mã lập luận rằng thuật ghi nhớ - tức thuật
giữ lại tri thức
và sắp xếp chúng một cách thích
hợp - là một công cụ sống
còn cho việc
sáng tạo những ý tưởng mới. Ngày nay, “phương pháp rèn luyện trí não” đã rất thịnh hành trong
công chúng. Những phòng luyện
tập bộ óc, các trại thúc đẩy trí nhớ là thứ mốt đang phát
triển, và phần mềm luyện tập trí nhớ là một ngành kinh doanh mang lại 265 triệu đô la năm
2008, chắc chắn một phần là do nghiên cứu chỉ ra rằng những người già vẫn duy trì
hoạt động trí óc tích cực thông qua việc chơi trò ô chữ, và cờ vua có thể ngăn ngừa được
bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ tiến triển,
nhưng chủ yếu là do thế hệ Baby Boom[3] quá
sợ chứng quên. Tuy có những bằng chứng khoa học vững chắc cho thấy bộ não hoạt
động tích cực sẽ có lợi trong việc ngăn ngừa chứng quên, nhưng những nhận định
hoàng tráng nhất của Buzan về hiệu ứng phụ của “rèn luyện trí nhớ” lại (ít
nhất) khiến người ta có phần hoài nghi. Dẫu vậy, kết quả thực tế cũng khó mà bác bỏ. Tôi vừa xem một thí sinh bốn mươi bảy tuổi nhắc lại đúng thứ
tự một trăm từ ngẫu nhiên anh ta mới học thuộc vài phút trước.
Buzan hăm hở muốn thuyết phục tôi tin rằng trí nhớ
của ông được cải thiện theo năm tháng, ngay cả khi ông già đi. “Người ta cứ cho rằng chuyện
suy giảm trí nhớ là tự nhiên vì
nó thuộc về chức năng cơ thể con người” ông bảo. “Nhưng đó là một lỗi lập luận,
điều thường xảy ra không không nhất thiết là điều tự nhiên.
Lý do khiến trí nhớ con người kém
dần bởi chúng ta thực sự đang luyện tập kiểu phản-Olympic. Điều chúng ta làm với bộ não cũng
tương tự như bắt một vận động viên luyện
tập cho cuộc thi Olympic
phải ngồi xuống nốc mười lon bia mỗi ngày, hút năm
mươi điếu thuốc, lái xe đi làm, có khi tập vài bài tập cật lực đến có hại mỗi
tháng một lần, và thời gian còn lại là xem tivi. Rồi chúng ta băn khoăn, tại sao người đó không thi đấu tốt ở Olympic. Đó là điều chúng ta đang làm với trí nhớ.”
Tôi hỏi quấy Buzan về chuyện học những kỹ thuật này khó khăn ra sao. Các thí sinh rèn luyện thế nào? Trí nhớ của họ cải thiện nhanh
chậm ra sao? Họ có dùng những kỹ thuật này trong đời sống hàng ngày không? Nếu chúng thực sự đơn giản và hiệu quả như ông nói, thì tại sao trước đây tôi chưa hề
nghe đến? Tại sao tất cả chúng ta không sử dụng chúng?
“Anh biết đấy,” ông đáp, “thay vì hỏi tôi những câu
đó, anh nên tự đi thử thì hơn.”
“Theo lý thuyết, một người như tôi phải rèn luyện
mất bao lâu để tham dự Giải vô địch Hoa Kỳ về trí nhớ?” tôi hỏi ông.
“Nếu anh muốn lọt vào tốp ba của Giải vô địch Hoa Kỳ, thì anh nên luyện tập một tiếng
mỗi ngày, sáu ngày một tuần. Nếu anh dành chừng ấy thì giờ, anh sẽ thi thố ngon lành. Nếu anh muốn vào giải vô địch thế giới, anh cần dành ba đến bốn tiếng mỗi ngày trong
sáu tháng cuối trước khi
giải diễn ra.
Nặng lắm đấy.”
Cuối buổi sáng hôm đó, khi các thí sinh đang cố ghi nhớ bài thơ “Tấm thảm dệt hình tôi,”
Buzan kéo tôi sang một góc và đặt tay lên vai tôi.
“Còn nhớ cuộc trò chuyện
của chúng ta không? Hãy nghĩ về nó. Anh có thể là người
ở trên sân khấu kia ở giải vô địch Hoa Kỳ năm sau.”
Trong giờ nghỉ giải lao giữa vòng thi nhớ thơ và
vòng thi nhớ tên người-khuôn mặt, tôi tìm ra vỉa hè bên ngoài tòa nhà Con Ed để
thoát khỏi không khí ẩm ướt như trong phòng thay đồ. Ở đó tôi bắt gặp chuyên
gia trí nhớ người Anh Ed Cooke, tóc như mớ giẻ, chống gậy tập tễnh cạnh anh bạn
hẩu cao lều nghều của anh ta, đại kiện tướng người Áo, Lukas Amsuss, họ đang
cuốn thuốc lá.
Ed đã tốt nghiệp trường
Oxford mùa xuân
năm trước, bằng ưu về tâm lý và triết
học, anh ta kể đang tính chuyện viết một cuốn sách nhan đề Nghệ thuật Nội quan đồng thời theo đuổi
bằng Tiến sĩ ngành khoa học nhận
thức ở Đại học Paris,
nơi anh đang tiến hành một
nghiên cứu khác nhằm “làm con người
cảm thấy cơ thể họ đã co lại kích thước một phần
mười bình thường.”
Anh ta cũng đang trong quá trình sáng tạo một màu mới - “không chỉ là một màu mới, mà một cách hoàn toàn
mới để quan sát màu sắc.” Lukas, sinh viên luật Đại học Vienna, tự quảng cáo mình là tác giả của một cuốn sách nhỏ nhan đề “làm thế nào tăng
gấp ba lần IQ của bạn,” vừa đứng dựa vào tòa nhà, cô gắng thanh minh với Ed về màn
trình diễn nghèo nàn của anh ta ở vòng thi nhớ chữ
ngẫu nhiên: “Tôi chưa bao giờ nghe đến những từ tiếng Anh
này, ‘yawn,’ ‘ulcer,’ và ‘aisle’[4]” anh ta khăng khăng giữ cách phát
âm cứng đơ của người
Áo, “Sao mà nhớ cho nổi?”
Thời điểm đó, Ed đứng thứ mười một và Lukas ở thứ chín trong nhóm những người
có trí nhớ tốt nhất thế thế
giới, hai đại kiện tướng duy nhất tại cuộc thi đó, và là những thí sinh duy
nhất xuất hiện trong bộ đồ vét và đeo cà vạt. Họ mong muốn chia sẻ với tôi (hay
bất kỳ ai) kế hoạch của họ để kiếm tiền trên danh tiếng trí nhớ của họ bằng cách xây dựng một “phòng tập trí nhớ” lấy tên Học viện Trí tuệ Oxford. Ý tưởng của họ
là những người theo học - hầu hết là các giám đốc, họ hy vọng vậy - sẽ trả tiền
để có người huấn luyện trí nhớ riêng. Một khi thế giới hiểu ra lợi ích của rèn luyện trí nhớ, họ tưởng tượng rằng tiền sẽ từ trên trời đổ xuống. “Cuối cùng,” Ed bảo
tôi, “chúng tôi đang tìm cách khôi phục lại nền giáo dục phương Tây.”
“Chúng tôi thấy nó đang thoái hóa,” Lukas thêm.
Ed giải thích
cho tôi rằng anh việc anh tham gia vào các cuộc thi trí nhớ là một phần trong
nỗ lực làm sáng tỏ những bí mật trí nhớ loài người. “Tôi nhận ra rằng có hai
cách để biết phương thức hoạt động của bộ não,” anh nói. “Trước tiên là cách
ngành tâm lý học thực chứng đang làm, nghĩa là bạn quan sát bên ngoài và sử
dụng nhiều biện pháp đo đạc đối với nhiều người khác nhau. Cách kia đi theo một
logic rằng hoạt động tối ưu của một hệ thống có thể mách bảo bạn điều gì đó về
thiết kế của nó. Có lẽ cách tốt nhất để hiểu được trí nhớ con người là cố gắng tối ưu hóa nó - lý tưởng nhất là nghiên cứu những người sáng
dạ trong điều kiện họ nhận được lời nhận xét chính xác và khách quan. Nghĩa là lập sơ đồ
trí nhớ.”
Cuộc thi này diễn ra với độ kịch tính
cũng cỡ như kỳ thi SAT. Người
dự thi ngồi
yên lặng trước bàn và nhìn chằm chằm vào những
tờ giấy, rồi viết vội câu trả lời và đưa cho giám
khảo. Sau mỗi vòng thi, điểm số nhanh chóng được tính toán và thể hiện trên một màn
hình trước phòng thi. Thứ khiến một tay nhà báo đang cố viết bài về cuộc thi vô địch trí
nhớ quốc gia nản nhất là môn “thể thao” này không làm công chúng hồi hộp căng thẳng
như trò chơi bóng rổ, hay thậm chí như cuộc thi đánh vần. Đôi khi, thật khó mà biết liệu
các đấu thủ đang chìm
sâu vào suy nghĩ hay đang ngủ.
Hẳn có thể thấy nhiều
hành vi kiểu day
mạnh vào thái dương, nhịp chân lo lắng và thi thoảng
vài cái nhìn trống rỗng vì thua cuộc, nhưng khán giả chẳng thể tiếp cận nổi hầu hết những
gì diễn ra trong đầu các đấu thủ.
Một ý nghĩ muộn phiền chạy qua đầu tôi, khi tôi
đứng sau khán phòng Con Edison quan sát những con người được cho là bình thường
này thực hiện màn biểu diễn trí óc gần như không dò thấu nổi: tôi không có lấy một manh mối nào về việc trí nhớ của tôi hoạt động ra
sao. Liệu có một nơi gọi là thùy trước não không? Một làn sóng chậm rãi những
câu hỏi quét ngang tôi - những điều tôi chưa bao giờ để tâm đột nhiên cùng ào tới ráo riết đòi giải đáp.
Chính xác thì trí nhớ là gì? Nó được tạo ra thế nào? Nó được lưu trữ thế nào? Hai thập
kỷ rưỡi đòi tôi đã trải qua với một trí nhớ hoạt động suôn sẻ liền lạc đến nỗi
tôi chưa bao giờ có lý do để dừng lại và thắc mắc về cơ chế của nó. Vậy mà, giờ đây khi dừng lại để suy
nghĩ về nó, tôi nhận ra nó thực sự không hề hoạt động liền mạch như vậy. Nó
hoàn toàn kẹt lại ở một số lĩnh vực, nhưng lại hoạt động quá tốt ở một số lĩnh vực khác. Và có quá
nhiều điều bất thường khó giải thích.
Đúng sáng hôm đó, trong
đầu tôi không
hiểu sao cứ trở
đi trở lại một bài hát khó chịu của Britney Spears,
khiến lúc đi tàu điện ngậm tôi cứ
phải vừa lắc lư vừa lẩm bẩm mấy điệu hát lẻ Hanukkah để đẩy nó ra khỏi óc. Thế là làm sao?
Vài ngày trước,
tôi cố kể cho một người bạn về một tác giả tôi ngưỡng
mộ, thế mà giờ
tôi chỉ nhớ được chữ cái đầu tiên tên ông ấy, chẳng gì khác. Sao chuyện đó xảy ra? Và sao tôi
không nhớ gì hết về những chuyện
trước độ tuổi lên ba? Và sao tôi không
thể nhớ ngày hôm
trước tôi ăn sáng món gì, dù tôi nhớ được chính xác bốn năm trước tôi ăn sáng món gì
- Bắp rang, cà phê,
và một quả chuối - khi tôi hay tin một máy bay đã đâm vào tòa tháp đôi? Và tại sao tôi luôn
quên lý do mình mở của tủ lạnh?
Tôi rời cuộc
thi Vô địch
trí nhớ Hoa Kỳ, háo hức muốn
tìm xem bằng
cách nào Ed và Lukas làm được như vậy. Họ chỉ là những
cá nhân phi thường chăng,
những kẻ xuất chúng trên cung đường tiến hóa hình chuông
của loài người,
hay chúng ta có thể học được
điều gì đó từ
tài năng của họ? Tôi hoài nghi
về họ với chính lý do mà tôi hoài
nghi về Tony
Buzan. Bất cứ bậc thầy tự phong nào đã kiếm
được cả một gia tài từ ngăn
sách “tự phát triển kỹ năng”
đều kích hoạt con người
thám tử ba xu trong
mỗi nhà báo, và Buzan
đúng là đã bật mọi cái
chuông báo động trong tôi. Tôi chưa đủ thông tin để biết chắc liệu ông đang rao bán sự cường
điệu hay là khoa học, nhưng cái bao bì “cách mạng giáo dục toàn cầu” - ông sử dụng chắc chắn có mùi vị cường
điệu.
Có thật là bất cứ ai cũng có thể học được cách ghi
nhớ nhanh chóng một lượng lớn thông tin không? Bất cứ ai? Tôi sẵn tin Buzan khi ông bảo có những kỹ thuật mà người ta có thể học để cải thiện đôi chút trí nhớ của
con người trong tầm giới hạn, nhưng tôi không tin hoàn toàn ở ông (hay Ed) khi
ông bảo rằng bất cứ tên ngốc nào ngoài đường cũng có thể học ghi nhớ những cỗ
bài hay hàng ngàn chữ số nhị phân. Sẽ hợp lý hơn nhiều nếu nói rằng: ràng Ed và
đồng nghiệp của anh ta có tài năng bẩm sinh kỳ dị về trí não tương tự như chiều
cao của gã khổng lồ Andre hay đôi chân của Usain Bolt.
Quả thật, nhiều
kỹ thuật giúp
cải thiện trí nhớ do các bậc thầy về các phương
pháp tự phát triển kỹ năng viết ra bị hoen ố bởi những
mánh vặt ba xu. Khi tôi xem gian hàng sách tự học
ở hiệu sách
Barnes&Noble, tôi thấy
một lô lốc
sách đưa ra những khẳng
định sốt sắng rằng chúng có thể dạy tôi làm thế nào để “không bao giờ quên số điện
thoại hay một ngày
hẹn” hay “phát triển trí nhớ ngay tức thì.”
Một cuốn sách còn tuyên
bố nó có thể chỉ cho
tôi cách sử dụng “90 phần trăm
còn lại” của bộ não,
đó là một trong những
lời sáo rỗng
giả danh khoa học, chẳng khác
gì việc tôi nói mình có thể được dạy dỗ để dùng 90 phần trăm còn
lại của bàn tay.
Nhưng lĩnh vực cải thiện trí nhớ cũng đã được
nghiên cứu bởi những người mà mối quan hệ của họ với chủ đề này rõ ràng ít mang
tính vụ lợi hơn Buzan, và những nhận định của họ đã được người trong ngành xem
xét phản biện. Các nhà tâm lý học lý thuyết quan tâm đến việc mỏ rộng khả năng
trí nhớ bẩm sinh của chúng ta kể từ khi Hermann Ebbinghaus lần đầu tiên đưa vấn
đề nghiên cứu trí nhớ vào phòng thí nghiệm từ những năm 1870.
Cuốn sách này viết về một năm mà tôi dành thời gian thử cố gắng rèn luyện trí nhớ của
mình và gắng thấu hiểu nó - hoạt động nội tại của nó, khiếm khuyết
tự nhiên của nó, tiềm năng còn tàng ẩn của nó. Cuốn sách cũng trình bày làm thế nào tôi biết rằng trí nhớ của chúng
ta thực sự có thể cải thiện
được, trong những
giới hạn nhất định, và rằng mọi người
trong chúng ta có thể thực sự nắm bắt những kỹ năng của Ed và Lukas. Nó cũng nhắc
đến các nghiên cứu khoa học của giới
chuyên môn; quá trình các nhà khoa
học chuyên nghiên cứu các nhà vô địch về trí nhớ khám phá ra những
nguyên tắc chung
để đạt được
kỹ năng như thế
nào thông qua nghiên cứu
quá trình rèn
luyện bộ não của các
vận động viên
trí óc;
bí quyết họ tìm ra cũng là bí quyết
để cải thiện gần như tất cả mọi điều.
Dù quyển sách này
không có ý viết theo dạng sách tự học, tôi hy vọng bạn thông qua nó hiểu được cách một
người rèn luyện trí nhớ và những kỹ thuật
ghi nhớ đó áp dụng trong đời sống hàng ngày
như thế nào.
Những kỹ thuật đó có một di sản quan trọng và phong
phú đáng ngạc nhiên. Vai trò của chúng trong sự phát triển văn hóa phương Tây
là một trong những chủ đề trong lịch sử tri thức, lĩnh vực không mấy ai biết
ngoài những phạm vi học thuật hạn hẹp được nghiên cứu. Hệ thống trí nhớ như
cung trí nhớ của Simonides đã định hình mạnh mẽ cách thức con người tiếp cận với thế giới từ thời xa xưa trong thời kỳ Trung cổ và Phục hưng. Nhưng sau
đó, chúng biến mất.
Ngày xưa, trí nhớ là gốc rễ của mọi khía cạnh văn hóa. Ngày nay, chúng ta có những cuốn
sách, hình ảnh, và vô số tập tài liệu chất cao như núi lưu trữ những di sản văn
hóa, đó là chưa kể đến Internet có thể đưa ra câu trả lời cho hầu hết những câu
hỏi chỉ trong một cú nhấp chuột, lại thêm những chiếc điện thoại thông minh
luôn-luôn-có-mặt bên cạnh để quản lý cuộc sống chúng ta. Trong
ba mươi nghìn năm qua, kể từ khi loài người bắt đầu vẽ những
ký ức của họ lên tường hang động, chúng
ta dần thay thế trí nhớ tự nhiên của mình
bằng sự trợ giúp của bộ nhớ ngoài với siêu cấu trúc rộng lớn - một quá trình
tăng tốc theo cấp số mũ những năm gần đây.
Về sinh lý học, chúng
ta hoàn toàn giống với tổ tiên, những người đã vẽ các hình ảnh bò rừng
lên tường động
Lascaux ở Pháp
- một trong số những
sáng tạo văn
hóa sớm nhất
còn tồn tại đến ngày nay. Bộ não của chúng
ta không lớn hơn hay phức tạp hơn bộ não của tổ
tiên. Nếu một đứa bé cổ đại được thả vào vòng tay của một cặp vợ chồng sống tại New
York thế kỷ hai mốt,
thì đứa bé hẳn sẽ lớn lên
chẳng có gì khác biệt
với bạn bè cùng trang lứa.
Điều duy nhất
phân biệt chúng
ta với họ, ấy là trí nhớ.
Không phải trí
nhớ khu trú
trong bộ não chúng
ta, đứa trẻ sinh ra ngày nay bước vào thế giới như một tấm bảng đá trắng
tinh, giống như đứa trẻ được sinh ra cách đây ba mươi ngàn năm, cái khác biệt là những ký ức
được lưu giữ bên ngoài
chúng ta - trong những
cuốn sách, bức hình, bảo
tàng, và ngày
nay là truyền thông
kỹ thuật số. Hãy tưởng tượng một mai bạn thức dậy và phát hiện ra rằng
mọi dấu vết của thế giới trở
nên vô hình. Thế giới
của chúng ta sẽ ngay
lập tức sụp đổ. Văn chương, âm nhạc, pháp luật, chính trị, khoa học, toán: Nền văn hóa của chúng ta là một đại
công trình được
xây dựng từ những bộ nhớ ngoài.
Nếu trí nhớ là phương
tiện để chúng
ta gìn giữ những thứ được xem là giá trị nhất,
thì khổ thay nó cũng gắn
chặt với sự tồn tại
tạm thời của
chúng ta. Một
khi chúng ta chết đi, ký ức của
chúng ta chết theo. Có thể nói, hệ thống bộ nhớ ngoài chi tiết mà chúng ta tạo ra là
một cách để tránh khỏi cái chết.
Nó giúp những
ý tưởng vượt qua thời
gian và không
gian một cách hữu hiệu, và cho phép xây dựng ý tưởng mới trên ý tưởng khác có sẵn, mà nếu
con người chỉ bảo lưu tư tưởng
ở mức độ truyền ý nghĩ từ bộ não này sang
bộ não khác thì không thể nào làm được.
Việc ngoại hóa bộ nhớ không chỉ thay đổi cách người ta suy nghĩ; nó cũng dẫn đến một chuyển biến sâu sắc hơn trong ý niệm về sự thông minh. Bộ nhớ trong trở nên giảm sút
giá trị. Sự uyên bác thay đổi từ việc xử lý thông tin bên trong đến khả năng biết cách và biết
nơi để tìm được thông tin trong thế giới mê lộ trí nhớ ngoài. Nơi duy nhất bạn còn thấy
người ta vẫn sử dụng
thuật ghi nhớ
là ở Giải Vô địch
Trí nhớ Thế
giới và độ hơn chục cuộc thi vô địch trí nhớ cấp quốc gia được tổ chức khắp thế giới. Điều này đáng phải suy
nghĩ. Điều từng là nền tảng giáo dục phương Tây giờ
may mắn lắm thì được xem là chuyện lạ. Nhưng
khi văn hóa của chúng
ta chuyển biến từ một nền văn hóa về cơ bản dựa
trên bộ nhớ trong sang một nền văn hóa về cơ bản dựa trên bộ nhớ lưu trữ ngoài bộ não, thì
điều đó có nghĩa gì đối với chúng ta và xã hội chúng ta? Những thành tựu con người đạt
được là không
thể tranh cãi.
Nhưng chúng ta đã phải
đánh đổi những
gì? Sẽ ra sao nếu chúng ta mất đi trí nhớ?
0 comments:
Đăng nhận xét